Quyền và nghĩa vụ của hội viên

Hội viên, tiêu chuẩn hội viên

1. Hội viên của Hội gồm hội viên chính thức, hội viên liên kết và hội viên danh dự:

a) Hội viên chính thức: Công dân, tổ chức Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều này, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện gia nhập Hội, có thể trở thành hội viên chính thức của Hội;

b) Hội viên liên kết: Công dân, tổ chức Việt Nam chưa có đủ điều kiện, tiêu chuẩn trở thành hội viên chính thức của Hội, có đóng góp cho các hoạt động của Hội, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện xin vào Hội, được Hội xem xét công nhận là hội viên liên kết của Hội;

c) Hội viên danh dự: Công dân, tổ chức của Việt Nam không có điều kiện tham gia làm hội viên chính thức của Hội nhưng có uy tín trong ngành y tế, có đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của Hội, tán thành Điều lệ Hội thì được xem xét, công nhận là hội viên danh dự.

2. Tiêu chuẩn hội viên chính thức:

a) Hội viên cá nhân: công dân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực khám, chữa, nghiên cứu các bệnh hậu môn trực tràng hoặc có liên quan đến hậu môn trực tràng có trình độ từ trung cấp trở lên.

b) Hội viên tổ chức: tổ chức Việt Nam có tư cách pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật hoạt động trong lĩnh vực khám, chữa, nghiên cứu các bệnh hậu môn trực tràng hoặc có liên quan đến hậu môn trực tràng theo quy định của pháp luật. Đại diện cho hội viên tổ chức tham gia Hội phải là công dân Việt Nam và là người làm việc chính thức tại tổ chức. Trường hợp tổ chức thay đổi người đại diện thì phải có văn bản cử người thay thế báo cáo Hội.

Quyền của hội viên

1. Được đề đạt nguyện vọng thông qua Hội và được Hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.

2. Được cung cấp thông tin liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội; được nhận các ấn phẩm, tạp chí của Hội (nếu có), truy cập website của Hội và được ưu tiên khi tham gia các khóa đào tạo của Hội.

3. Được tham gia thảo luận, quyết định các chủ trương công tác của Hội theo quy định của Hội; được kiến nghị, đề xuất ý kiến với cơ quan có thẩm quyền về những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội.

4. Được yêu cầu Hội kiến nghị, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền về chế độ chính sách phù hợp với lợi ích hợp pháp của hội viên, đảm bảo đúng pháp luật.

5. Được dự Đại hội, ứng cử, đề cử, bầu cử các cơ quan, các chức danh lãnh đạo và Ban Kiểm tra Hội theo quy định của Hội.

6. Được giới thiệu hội viên mới gia nhập Hội và được Hội ghi nhận, tuyên dương khi có thành tích trong công tác phát triển hội viên.

7. Được ra khỏi Hội khi xét thấy không thể tiếp tục là hội viên.

8. Được khen thưởng về thành tích và những đóng góp xây dựng Hội hoặc bị kỷ luật theo quy định của Hội.

9. Được cấp thẻ hội viên của Hội (nếu có).

10. Hội viên liên kết, hội viên danh dự được hưởng quyền và nghĩa vụ như hội viên chính thức, trừ quyền biểu quyết các vấn đề của Hội và quyền ứng cử, đề cử, bầu cử Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra Hội.

Nghĩa vụ của hội viên

1. Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành Điều lệ, quy định của Hội.

2. Tích cực hoạt động nhằm mở rộng uy tín và ảnh hưởng của Hội. Tham gia các hoạt động và sinh hoạt của Hội; đoàn kết, hợp tác với các hội viên khác để xây dựng Hội phát triển vững mạnh.

3. Bảo vệ uy tín của Hội, không được nhân danh Hội trong các quan hệ giao dịch, trừ khi được lãnh đạo Hội phân công bằng văn bản.

4. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo với Hội theo quy định.

5. Đóng phí gia nhập Hội và hội phí đầy đủ, đúng hạn theo quy định của Hội.

Điều 11. Thủ tục, thẩm quyền kết nạp hội viên

1. Công dân, tổ chức Việt Nam quy định tại Điều 8 Điều lệ này, có nguyện vọng gia nhập Hội thì tự nguyện làm đơn gia nhập Hội theo mẫu và nộp phí gia nhập Hội (do Ban Chấp hành Hội quy định);

2. Ban Chấp hành Hội xét quyết định kết nạp hội viên. Việc kết nạp hội viên mới phải được 2/3 (hai phần ba) số thành viên Ban Chấp hành Hội tán thành. Mỗi năm Hội tổ chức xét kết nạp hội viên một lần;

3. Căn cứ kết quả xét kết nạp hội viên của Ban Chấp hành Hội, Chủ tịch Hội là người thay mặt Ban Chấp hành Hội ký quyết định kết nạp hội viên. Thời gian tham gia Hội của hội viên được tính từ ngày quyết định kết nạp có hiệu lực thi hành;

4. Ban Chấp hành Hội quy định cụ thể trình tự, thủ tục, thẩm quyền kết nạp hội viên.

Thủ tục ra khỏi Hội

1. Tư cách hội viên sẽ không còn giá trị nếu xảy ra một trong những trường hợp sau:

a) Đối với hội viên tự nguyện ra khỏi Hội: hội viên tự nguyện ra khỏi Hội có đơn gửi Ban Chấp hành Hội. Ban Chấp hành Hội xem xét phê chuẩn trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn của hội viên;

b) Đối với hội viên bị khai trừ ra khỏi Hội:

Hội viên bị khai trừ ra khỏi Hội theo quyết định của Ban Chấp hành Hội với sự nhất trí của trên 50% (năm mươi phần trăm) thành viên Ban Chấp hành khi hội viên vi phạm một trong các nội dung sau:

+ Hoạt động trái với quy định của pháp luật Việt Nam;

+ Hoạt động trái với mục đích của Hội, gây tổn hại đến uy tín của Hội;

+ Không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của hội viên, không thực hiện đúng hoặc vi phạm nghiêm trọng những quy định hoặc nghị quyết của Hội. Hội viên không đóng phí hội phí 02 năm liền tiếp;

c) Các trường hợp hội viên đương nhiên không còn là hội viên của Hội:

- Hội viên cá nhân mất khả năng hành vi dân sự, bị chết hoặc tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật;

- Hội viên tổ chức tự ngừng hoạt động, bị đình chỉ hoạt động, bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật.

2. Ban Chấp hành Hội ra quyết định xóa tên hội viên và thông báo cho tất cả các hội viên khác biết. Quyền và nghĩa vụ của hội viên chấm dứt sau khi Ban Chấp hành Hội ra quyết định xóa tên hội viên.

3. Ban Chấp hành Hội quy định cụ thể trình tự, thủ tục, thẩm quyền cho hội viên ra khỏi Hội.

Để lại bình luận của bạn

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài